Ấn vàng Hoàng đế chi bảo và sự trở về

01/02/2024 11:01

Chiếc ấn vàng lớn nhất của triều Nguyễn được hoàng đế Minh Mạng cho đúc cách đây đúng 200 năm, là chiếc ấn đã trải qua 12 triều đại các vua nhà Nguyễn, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước Việt từ thời cận đại qua hiện đại đến đương đại: Ấn Hoàng Đế Chi Bảo.


Trong gần 150 năm tồn tại, triều Nguyền có hơn 100 chiếc ấn được tạo tác từ các loại vật liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà voi, thậm chí cả từ thiên thạch..., nhưng "Hoàng đế chi bảo" vẫn là chiếc ấn có giá trị vượt trội, không chỉ bởi kích thước, chất liệu, tính thẩm mĩ mà còn do sứ mệnh mà nó được giao phó. Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

 

Về sự kiện đúc chiếc ấn này, sách Đại Nam thực lục (tập 6, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, 1963, trang 146) ghi khá rõ: “Ngày Giáp Thìn đúc ấn Hoàng Đế Chi Bảo, nuốm (núm) làm rồng cuốn 2 tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 280 lượng 9 đồng 2 phân”. Quy đổi ra hệ thống đo lường hiện nay, ấn được xác định có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 12,8cm, dày 2cm.

 

Đây là một chiếc ấn có hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ “Vương”; kỳ (vây lưng) dựng đứng, đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng Đế Chi Bảo”. Mặt trên của ấn, hai bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4, tức ngày 16/3/1823), và “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân – tức nặng 10,78kg).

 

Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng Đế Chi Bảo có chức năng rất quan trọng, chỉ đem ra sử dụng khi: “… gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cùng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc”. Điều đó có nghĩa, chiếc ấn tượng trưng cho quyền lực của Hoàng đế, người đứng đầu thiên hạ, chỉ dùng đóng trên các văn bản có ý nghĩa đặc biệt của Quốc gia về đối nội, đối ngoại.

 

Vua Minh Mạng (lên ngôi 1820 – mất 1841) là vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều Nguyễn, có tầm nhìn xa và kiến thức sâu sắc. Sau khi kế thừa sự nghiệp của vua Gia Long, nhà vua đã ban hành và quyết liệt thực hiện nhiều chính sách để thống nhất nền hành chính quốc gia, thống nhất về văn hóa, kể cả văn hóa trang phục. Ông chính là người đưa ra quy định bắt buộc sử dụng áo dài ngũ thân trong cả nước và biến thành quốc phục của người Việt, tổ chức thi tiến sỹ để tuyển chọn nhân tài, chăm lo phát triển nông nghiệp, phát triển giao thông, củng cố binh bị và mở rộng lãnh thổ, phát triển ngoại giao…, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc trong khu vực. Trong thời kỳ ông trị vì, triều Nguyễn đã cho đúc và chế tác đến 14 chiếc ấn vàng (kim bảo), ấn ngọc (ngọc tỷ) với những chức năng riêng, và đó đều là những chiếc ấn rất quý giá. Điều may mắn đến kỳ lạ là dù trải qua rất nhiều biến động của lịch sử, nhưng cả 14 chiếc ấn báu ấy đến nay vẫn còn, trong đó 13 chiếc đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Riêng chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo thì lại có một số phận đặc biệt, từ kinh đô Huế nó đã được đưa ra Hà Nội, rồi đưa sang Pháp, nhưng nay đã trở về với đất mẹ.

 

Chiều ngày 30/08/1945, trên nền đài tầng 2 lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn, trước hơn 2 vạn nhân dân Thừa Thiên Huế đang sục sôi khí thế Cách mạng, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền Cách mạng. Đó chính là chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo và một thanh kiếm thời Khải Định. Thay mặt Chính phủ Cách mạng, ông Trần Huy Liệu đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho cựu Hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau đã được đưa ra Hà Nội để kịp dự lễ Độc lập vào ngày 02/09/1945. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Thủ đô, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu tại một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô gần hồ Tây, trước khi rút lên Việt Bắc vào cuối năm 1946. Nhưng trớ trêu thay, sau đó ít lâu, khi lính Pháp càn quét làng Nghĩa Đô, họ đã phát hiện ra bộ ấn kiếm trên. Ngày 08/03/1952, người Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng tại Hà Nội để trao lại ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại.

 

Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên được an toàn, cựu hoàng Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và thái tử Bảo Long. Năm 1963, sau khi bà Nam Phương mất, ông Bảo Long quản lý bộ ấn kiếm này và đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng châu Âu (Union des Banques Européennes). Ngày 31/07/1997, cựu hoàng Bảo Đại qua đời, chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo thuộc về bà Monique Marie Eugene Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú với cựu Hoàng. Ngày 27/09/2021, bà Baudot mất, tin tức về chiếc ấn vàng tưởng chừng chìm vào quên lãng…

 

Đầu tháng 10/2022, nhà đấu giá Millon (Paris, Pháp) thông báo sẽ đem bán đấu giá công khai chiếc ấn Hoàng Đế Chi Bảo vào ngày 31/10. Báo chí và dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến thông tin trên. Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, ông Nguyễn Thế Hồng, một nhà sưu tầm cổ vật có bảo tàng tư nhân ở Bắc Ninh đã thương lượng thành công không qua đấu giá để mua lại ấn Hoàng Đế Chi Bảo. Và theo kế hoạch, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, chiếc ấn báu đã được đưa về Việt Nam vào đầu tháng 6/2023.

 

Ông Nguyễn Thế Hồng

 

Như vậy, sau 70 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, chiếc ấn vàng Hoàng Đế Chi Bảo, một trong những cổ vật tiêu biểu nhất của Việt Nam thời kỳ quân chủ phong kiến đã quay trở về Tổ quốc, là một trong số ít Bảo vật Quốc gia có giá trị lịch sử, văn hóa cần phải gìn giữ và lưu truyền cho muôn đời sau. Việc ông Nguyễn Thế Hồng, với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước đã mua thành công một cổ vật quý của Việt Nam ở nước ngoài còn mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương cổ vật. Và như vậy, mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài công lập đều có thể tham gia vào công việc đầy ý nghĩa này.

 

Nguồn: https://heritagevietnamairlines.com/an-vang-hoang-de-chi-bao-va-su-tro-ve/